Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

ĐẠT LAI LẠT MA
GIẢI NOBEL VỀ HÒA BÌNH THẾ GIỚI



Chuyến viếng thăm của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII

EmailInPDF.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII sẽ xuống sân bay Nội Bài trên chuyến bay TG 564 vào lúc 19h:00 ngày thứ Bảy 13, tháng 03 năm 2010. Kính mời chư vị Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử và thiện hữu tri thức cung đón Ngài tại sân bay.
Sáng ngày hôm nay 12/03/2010, Ngài Kunga Rinpoche, Lama Nawang Tenzin - Trưởng đại diện Tăng đoàn Drukpa tại Châu Âu cùng 12 Đại Đức Tăng của Tăng Đoàn Drukpa đã đáp phi cơ xuống sân bay Nội Bài. Các Ngài sẽ làm việc tại chùa Quang Ân để giúp Drukpa Việt Nam công tác chuẩn bị cho Pháp hội sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 14/03/2010.
Thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web www.drukpavietnam.org




Hai ngày với Đức Đạt Lai Lạt Ma

Nguyễn Thanh Sơn
Khi nhận được lời mời tham gia vào đoàn hành hương gồm các doanh nhân, nghệ sĩ và phóng viên Việt Nam tới Dharamshala thọ giáo Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi hiểu đây có thể là cơ hội duy nhất trong đời tiếp xúc với người được suy tôn là một trong ba vị thánh nhân của châu Á trong thế kỷ XX, và là người duy nhất còn tại thế. Thân phận đặc biệt của Ngài và mối quan hệ “tế nhị” giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ cản trở bất cứ cố gắng nào mời Ngài viếng thăm Việt Nam, cho dù ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông bắt đầu được gia tăng ở đây.
Sau bẩy giờ bay và chịu đựng những cú xóc kinh người suốt gần hai mươi tiếng đồng hồ trên xe bus, chúng tôi tới Dharamshala khi trời đã tối. Dharamshala, thủ phủ chính phủ lưu vong của người Tây Tạng là một thị trấn nhỏ nằm dưới chân dãy Himalaya ở miền Bắc Ấn độ. Hãy nhắm mắt lại hình dung  ra Sapa, Mèo Vạc hay bất cứ một thị trấn vùng biên của Việt Nam, thay thế hình ảnh người Mông, người Dao bằng người Tạng, hình ảnh người Kinh bằng người Ấn độ- vậy là bạn đã hình dung ra Dharamshala. Cũng những dãy phố nhỏ dốc ngược, với hàng trăm cửa hàng nhỏ và tồi tàn bán đủ thứ đồ lưu niệm tạp nham có nguồn gốc đáng ngờ, những con ngựa thồ nặng vừa cặm cụi đi ngược dốc núi vừa vãi phân ra tung tóe trên đường, những khách sạn mini và các quán bar nhỏ xíu với các biển quảng cáo được viết cẩu thả bằng tiếng Anh, tiếng Ấn, những đống rác khổng lồ bốc mùi hôi khủng khiếp ở cạnh sườn núi. Cũng giống như các thánh địa khác, Dharamshala thu hút đủ mọi loại người: các tăng nhân người Tạng, giới bán hàng rong và đám “cái bang” Ấn độ, các nhà sư có nguồn gốc từ mọi ngóc ngách trên thế giới đang học tập tại các tu viện Mật tông, những người mộ đạo Phật, những kẻ hiếu kỳ và khách du lịch thập phương. Từ năm 1959, nơi đây đã trở thành “tiểu Lasha”, “thủ đô lưu vong” của người Tạng và hành cung của Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso (hay Đăng-Châu Gia-mục-thố theo phiên âm tiếng Hán).
Qui Lão” giản dị

Qui Lão: Người ta cứ làm như khoác chiếc áo này lên tôi sẽ trở nên thánh thiện hơn
Trước khi tới Dharamshala, tôi đã nghe nói nhiều về tính giản dị của Đức Đạt Lại Lạt Ma, và được căn dặn ông chỉ muốn mọi người coi ông như một “nhà sư bình thường”- nhưng liệu có thể coi lãnh tụ tinh thần của gần sáu triệu người Tạng, người đã từng đoạt giải Nobel hòa bình vì đấu tranh hòa bình suốt hơn nửa thế kỷ qua cho quyền tự quyết của nhân dân Tây Tạng là một “nhà sư bình thường” như bất kỳ một nhà sư nào khác? Ấy vậy mà, đó chính là cảm giác của tôi trong buổi sáng đầu tiên, khi các thị giả dìu ông vào phòng Pháp thoại (ở tuổi 77, mặc dù trông vẫn rất khang kiện, nhưng bước chân của ông đã trở nên nặng nề)- nếu không phải khuôn mặt của ông đã trở nên quá quen thuộc với chúng tôi qua sách báo, thì ông có thể lẫn vào với bất cứ một nhà sư Mật tông nào khác. Ông ngồi đó, bộ trang phục đơn sơ hở một bên vai, hòa hợp một cách tuyệt vời với sự giản dị của tu viện Namgyal, tu viện riêng của ông, trên chiếc ghế bành đơn giản đến không thể đơn giản hơn được nữa. Ngoài một bức tranh Phật Tổ và mười bẩy bức Thang-ka họa hình các thánh tăng trang trí trên tường, thì phòng học của chúng tôi giống hệt như phòng học của bất cứ một lớp học phổ thông nào tại Việt Nam. Và câu đầu tiên của ông nói với chúng tôi (câu ông sẽ còn phải nhắc lại rất nhiều lần trong suốt hai ngày kế tiếp) là “ngồi, ngồi đi”- qua cách xua tay dứt khoát của ông, có vẻ ông rất “dị ứng” với việc chúng tôi định cử hành lễ “tam bái”, nghi lễ được các sư thầy chuẩn bị cho cả đoàn để biểu hiện lòng thành kính của chúng tôi đối với ông. “Tôi xin lỗi vì ra muộn”- ông nói vẻ hối lỗi-“ có một đoàn đại biểu của người dân tộc tôi vừa tới, và tôi phải tiếp họ một chút. Các bạn biết đấy, họ tới được đây không dễ một chút nào…”. Ngừng một chút, ông nói tiếp “ Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ, Pháp, Úc…và tôi luôn luôn giữ một tình cảm đặc biệt đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, nhưng đặc biệt hơn cả là đối với những người Việt Nam đến từ Việt Nam”.
Từ Đức Đạt Lai Lạt Ma toát ra một vẻ từ hòa và bình thản vô cùng, và kể từ giây phút đó, hai ngày pháp thoại của chúng tôi bên cạnh ông không còn giống như hai ngày của các tín đồ sùng tín với Đức Phật sống của họ, thế thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, mà giống như hai ngày chúng tôi trở về quê hương, ngồi hầu chuyện ông mình trong ngôi nhà cổ xưa của dòng họ, một cảm giác kính trọng nhưng vô cùng thân thuộc. Thân thuộc trong cách ông gọi chúng tôi là “các anh chị em tôi từ Việt Nam”, trong tiếng ho húng hắng của ông, trong cái cách ông tận tình trả lời bất cứ câu hỏi nào của các thành viên trong đoàn. Chúng tôi thầm gọi đùa ông là “Qui Lão”, mà quả thật, trên chiếc ghế bành của mình, trông ông rất giống một “cụ rùa”, với đôi mắt già hiền từ, toát ra một vẻ thông tuệ như đại hải mà lại tinh nghịch trẻ trung như trẻ thơ. Ông không ngừng lắc lư, ho hắng, hắt hơi, niệm chú, thỉnh thoảng lại gãi gãi gò má và liên tục pha trò trong câu chuyện của mình. Suốt hai ngày Pháp thoại, lúc nào cũng vang lên tiếng cười khà khà hóm hỉnh của ông, dường như ông luôn ngạc nhiên vì những ý tưởng của chính mình và tự cười chính những ý tưởng đó. Từ vẻ sững sờ khi một thành viên trong đoàn hỏi ông về câu nói được cho là của ông đang lan truyền trên mạng Internet (“ Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất về nhân loại? Con người- bởi vì họ hi sinh sức khỏe để kiếm tiền, rồi lại bỏ tiền ra để tìm lại sức khỏe. Họ quá sốt ruột với tương lai nên chẳng còn thời gian để tận hưởng hiện tại, kết quả là họ chẳng sống ở hiện tại hay ở tương lai. Họ sống như thể họ không bao giờ chết, rồi lại chết như chưa từng được sống”). “Tôi có nói thế bao giờ đâu! Này, đừng tin ở Internet, nó là một trong những thứ rất tốt đẹp được sinh ra, nhưng người ta cũng có thể lợi dụng nó để làm điều xấu xa đấy!”, cho đến cách ông tự trào khi các thị giả khoác lên người ông vương bào để ông làm lễ qui y và phát nguyện Bồ Đề tâm cho một số thành viên trong đoàn( “để làm lễ nên họ bắt tôi phải mặc cái áo bào này, làm như cái áo này sẽ làm cho tôi thánh thiện hơn ấy”); hay ngay cả khi ông nói đến những vấn đề hệ trọng như quan hệ với nhà cầm quyền Trung Quốc (“họ luôn gọi tôi là quỷ dữ, hôm nay thế là các anh chị em đã được gặp quỷ rồi đấy”). Và tôi hiểu, tại sao với người Tạng, ông là hiện thân của Huệ Hải (trí tuệ lớn như biển)- không gian xung quanh ông tràn ngập vẻ đẹp mêng mông của sự giản dị, trong sáng mà thâm sâu của một trí tuệ vĩ đại.
Vị Pháp vương giữa thế tục
 “Thế kỷ XXI là thế kỷ của lòng tham vật chất, và con người chợt nhận ra rằng, những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật không giải quyết được những vấn đề cơ bản của con người”- ông bắt đầu buổi Pháp thoại của chúng tôi như vậy-“để giải quyết những vấn đề tinh thần của con người, có ba con đường: tin vào một (hay nhiều) đấng chúa trời như Thiên chúa giáo, Hồi giáo hay Ấn giáo; tin vào một đấng giác ngộ như Phật giáo; con đường thứ ba là con đường của chủ nghĩa thế tục, mong muốn dùng khoa học để giải quyết những vấn đề tinh thần của con người- và con đường này cũng hết sức quan trọng”
Trong suốt hai ngày Pháp thoại, chữ “chủ nghĩa thế tục” cứ quay đi quay lại trong bài giảng của ông. Có lẽ, trong các lãnh tụ tôn giáo, ông là người quan tâm nhiều nhất đến những điểm chung giữa tôn giáo và khoa học, tôn giáo và giáo dục, tôn giáo và đạo đức (“cần phải tăng cường giáo dục về đạo đức cho con người, đạo đức thế tục không có nghĩa là thiếu tôn trọng tôn giáo mà có nghĩa là tôn trọng tất cả các tôn giáo”-ông nói). Ở một nghĩa nào đó, tôi cho rằng, sự quan tâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với chủ nghĩa thế tục có liên quan nhiều đến sự quan tâm của ông đối với số phận của dân tộc Tạng, dân tộc ông đã dẫn dắt suốt năm mươi năm qua. Cho dù đã tuyên bố từ bỏ vai trò chính trị, không thể phủ nhận sự giằng xé  giữa vai trò nặng nề của một chính trị gia có trách nhiệm với dân tộc bị đàn áp của mình, với mong muốn đạt được sự hiểu biết và giác ngộ cho chính bản thân. Có một nối buồn ẩn sâu trong câu nói đùa của ông “ khi xảy ra chiến tranh ở Việt Nam, tụng niệm “A-di-đà-phật” có làm chiến tranh ngừng lại đâu? Cũng như dân tộc Tạng chúng tôi, tụng niệm “A-di-đà-phật” có ngăn chặn được việc chúng tôi bị giết, bị đuổi khỏi nhà, lưu vong trên xứ sở lạ được đâu? Cho nên tụng niệm “A-di-đà-phật” không đủ, phải tìm cách hiểu thế giới, tìm cách nắm được tri thức thì mới có cơ hội”
Chính vì vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, trong suốt ba mươi năm qua, ông đã tiến hành hàng ngàn cuộc trao đổi với các nhà triết học, tâm lý học, vật lý và vật lý lượng tử học, và chính trong các cuộc trao đổi như vậy, hai bên đã làm giầu kiến thức cho nhau. “Các nhà khoa học hết sức quan tâm đến quan điểm của Phật giáo về thế giới, bởi vì đối với Phật giáo không có Đấng sáng tạo, mà đức Phật cũng là một chúng sinh bình thường nhưng với huệ giác cao cả, tái sinh để khai mở con đường chứng ngộ cho nhân loại mà thôi…họ đặc biệt quan tâm đến thuyết “duyên khởi” và “tùy thuộc phát sinh” của Phật giáo chúng ta, vì khái niệm mọi vật liên quan tương hỗ đến nhau của nhà Phật rất gần với cách họ hiểu về thế giới”. Ông cũng nói ông đã học được gì từ những cuộc trao đổi đó: “Trong một cuộc hội nghị ở Nam Mỹ, tôi đã gặp một nhà vật lý nguyên tử người Chi-lê. Ông ấy nói với tôi rằng, để có thể tìm hiểu được vật lý nguyên tử nói riêng hay khoa học nói chung, với tư cách một nhà khoa học, ông ấy phải tìm cách “thoát bỏ” khỏi khoa học để có góc nhìn rộng hơn. Ông ấy làm tôi giật mình. Phải chăng để tìm hiểu về Phật giáo, tôi cũng phải tìm cách “thoát bỏ” để có thể có một góc nhìn khác đối với Phật pháp”.
Vậy phải hiểu thế giới như thế nào? “Có quá nhiều thứ xấu xa đã xảy ra chỉ vì chúng ta luôn phân biệt “chúng nó” và “chúng ta”. Phân biệt giữa chủng tộc này với chủng tộc khác, dân tộc này với dân tộc khác, thậm chí gia đình này với gia đình khác, người này với người khác. Luôn luôn có một ranh giới giữa “chúng nó” và “chúng ta”, và điều này tạo ra tham ái, tham ái sẽ tạo ra sân hận, si mê. Chỉ khi nào mọi người hiểu rằng, nền tảng của con người nói chung, bất kể họ là “nó” hay “chúng ta”, là ham muốn hạnh phúc, và vì vậy, chỉ khi nhân loại hiểu rằng chỉ có một “chúng ta” thống nhất mà không có “nó”, và tất cả chúng ta đều liên quan tương hỗ với nhau trong khát vọng mưu cầu hạnh phúc, khi đó mới có thể có một thế giới hòa bình”
 Phật Giáo trong nghĩa bản thủy  của nó
 Trước khi tới Dharamsala, có người giải thích cho tôi vì sao thời gian vừa qua, bỗng dưng người Việt Nam đặc biệt quan tâm đến Mật tông Tây tạng. “Người Việt mình vốn vừa mê tín vừa lười biếng, nên khi nghe đồn Mật tông Tây tạng có nhiều chân ngôn, chú ngữ thì tin vào nó như tin vào những phép mầu, lại nghĩ rằng theo truyền thống Mật tông, các bậc thầy có thể truyền lại cho đệ tử những bí chú, các phép mầu (mà họ gọi một cách “hiện đại” là “năng lượng”) thông qua mật ngôn hoặc trì chú, vì thế không cần phải cố gắng gì, chỉ cần “có duyên” tìm ra được một bậc thầy rồi câu thông được với linh hồn của bậc  thầy đó là có thể có được những năng lượng đặc biệt, do đó họ mới thích thú với Mật tông Tây tạng như vậy”.
 Đức Đạt Lai Lạt Ma dường như thấy trước được điều đó, nên ông dành gần như toàn bộ thời gian Pháp thoại của chúng tôi để dẫn dắt mọi người quay lại với nguồn cội của Phật giáo. Ông cảnh báo “các bạn rồi sẽ gặp những vị Lạt Ma, những người hứa với các bạn chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đô các bạn sẽ đạt được tới sự giác ngộ. Hãy cảnh giác và sử dụng lý trí của mình. Hãy lựa chọn bậc thầy của mình. Thử nghĩ xem, bạn ra chợ mua một món đồ đắt tiền, bạn có xem xét cẩn thận không? Có kiếm tra nó không? Vậy tại sao với một thứ quan trọng như Phật pháp, các bạn lại không xem xét cho cẩn thận. Trong số 320 bộ sách của Tạng pháp, có 12 bộ nói về những đức tính cần có của bậc thầy. Hiện quán Trang Nghiêm Kinh đã liệt kê rất nhiều yêu cầu về bậc thầy, từ Từ, Hòa, Bi, Tuệ…vv nhưng Mật tông còn đòi hỏi cao hơn, yêu cầu cả về nội công đức và ngoại công đức của họ. Đối với Phật giáo, không có đường tắt! Phật giáo có thể tóm gọn trong hai từ Giáo-Chứng! Trước tiên, phải học (Giáo), sau đó, khảo nghiệm nó, thực hành nó để tìm ra huệ giác cho mình (Chứng)…Cũng giống như bước vào trường học, phải học qua các lớp, chúng ta phải học tập dần dần, từ Giới Học, tới Định Học và cuối cùng là Tuệ Học mới mong đạt được giác ngộ chân chính. Bước đầu tiên như Giới Học, chúng ta cũng có tới 227 giới để tu tập, chưa kể tới các bước kế tiếp…Đức Phật đã tìm ra con đường để giải thoát, nhưng ngài chỉ chỉ cho chúng ta thấy con đường đó và làm thế nào để đi đến đích, còn việc lựa chọn bước lên con đường đó và bước từng bước để đạt tới giác ngộ cuối cùng là hành động của các anh chị em…”
Vậy, phải học gì? Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu buổi Pháp thoại bằng giáo thuyết cho chúng tôi về “ngã” và ba câu hỏi quan trọng nhất của Phật giáo Mật Tông (“ngã là gì”? “có kết thúc của ngã hay không?”, “ngã có tồn tại độc lập với thể xác hay không?”). Ông cũng thuyết giảng về “luân hồi”, về thuyết Duyên khởi và mười hai nhân duyên, đặc biệt về “vô minh”, phân biệt giữa “vô minh do thiếu hiểu biết” và “vô minh do hiểu biết sai” (ông dùng chữ “distorted ignorance” mà các sư thầy dịch là “tà niệm”, nhưng tôi thấy không chính xác) và sự nguy hiểm của vô minh do hiểu biết sai. Hiểu biết sai là nguồn gốc của “tam độc”- tham, sân, si khiến con người bị chìm trong luân hồi, chịu đựng đau khổ của “nghiệp”. Ông giảng về tầm quan trọng của Tứ Diệu đế trong Chuyển luân kinh, giáo pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng tại vườn Lộc Uyển sau khi ngài đạt Giác ngộ, Bát Chính Đạo và Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh, vừa giảng vừa ngâm nga câu cuối cùng của tâm kinh “tadyatha-gate gate paragate parasamgate bodhi svaha! (Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ). Dường như ông hiểu được, đối với một “đại chúng” ô tạp như chúng tôi, tâm trí chứa đầy những thiên kiến của “vô mình do hiểu biết sai” thì cách tốt nhất là dẫn dắt chúng tôi trở về với điểm bắt đầu của Phật giáo. Cho nên, có thể đối với một số người, khoảng khắc Đức Đạt Lai Lạt Ma niệm và hướng dẫn chúng tôi niệm hai mươi mốt lần Lục Tự Đại Minh chân ngôn (Om Mani Padme Hum) là khoảng khắc xúc động nhất, nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là lời giảng của ông về chân ngôn này. Ông nói, Om có nghĩa là Thân-Khẩu-Ý, Mani là ngọc quí, Padme là trí tuệ, Hum là kết hợp lại, cho nên Lục Tự Đại Minh chân ngôn có nghĩa là hãy dùng trí tuệ để kết hợp thân-khẩu-ý lại hoàn hảo để hiểu được tính Không, như một viên ngọc quí. Hiểu được tính Không, có nghĩa là sẽ hiểu được cách “đoạn vô minh”, từ đó đạt được sự giác ngộ
Tôi cứ tự hỏi, vì lẽ gì Đức Đạt Lai Lạt Ma phải mất hai ngày quí báu của ông để truyền thụ Phật pháp cho chúng tôi, hơn một trăm người phần lớn không phải Phật tử, phần lớn còn trong cõi vô minh? Phải chăng chúng tôi đã quá may mắn, hay đối với ông, không quan trọng là bao nhiêu người, ở đâu và khi nào, mà quan trọng là mầm thiện mà ông đã kiên nhẫn gieo vào lòng chúng tôi, khi chúng tôi thầm phát nguyện Bồ Đề tâm theo sự dẫn dắt của ông, bắt đầu bước bước chân đầu tiên trên con đường giác ngộ: “Với ước nguyện giải thoát cho toàn thể chúng sinh, con xin về nương dựa nơi Phật, Pháp cùng Tăng Già, cho đến khi giác ngộ. Hôm nay tâm hướng về Từ bi và Trí tuệ, đối trước đức Phật, con quyết vì thế giới hữu tình, nguyện phát tâm Bồ đề. Bao giờ không gian còn, hữu tình còn, nguyện con còn ở lại, xua tan khổ nạn cõi thế gian”
Tác giả gửi cho Quê choa


PHÁP VƯƠNG Gyalwang Drukpa đời thứ XII




PHÁP VƯƠNG
Gyalwang Drukpa đời thứ XII
LIÊN HỢP QUỐC TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG: 
" VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THIÊN NIÊN KỶ" NĂM 2010


Tây Tạng ngày nay
Vùng đất này được người đời gọi là “nóc nhà của thế giới” vì nó nằm quá cao so với mực nước biển. Người khác thì cho nó hai chữ “huyền bí” vì không hiểu hết được sự thâm sâu trong hành vi và suy nghĩ của người dân bản địa.
Hồi cuối thế kỷ 19, các nhà thám hiểm phương Tây đã thực hiện những chuyến khám phá vùng đất huyền bí Tây Tạng bằng đường bộ khá gian nan. Ngày nay, du khách đến Tây Tạng - một khu tự trị thuộc Trung Quốc - dễ hơn nhiều vì hệ thống giao thông thuận lợi với xa lộ, tàu cao tốc và đường hàng không. Tuy nhiên, sau khi đã có visa vào Trung Quốc, muốn lên Tây Tạng, bạn buộc phải có giấy phép đặc biệt do chính quyền sở tại cấp.  Không có giấy phép đặc biệt, bạn sẽ bị từ chối bước vào vùng tự trị này. 
                                                                                                                                 Lhasa - Ảnh: Đ.X.H
Từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau là khoảng thời gian người ta khuyến cáo bạn không nên đến Tây Tạng vì sự khắc nghiệt của thời tiết. Trong thời gian này, một số hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí ở Lhasa cũng ngừng hoạt động vì lượng du khách vắng vẻ, và cũng vì trời lạnh tê tái. Tốt nhất hãy đến đây vào mùa hè, thời tiết ấm áp hơn.
Theo lời mời của Công ty điện tử Samsung Vina, đoàn nhà báo chúng tôi đã làm một chuyến lữ hành đến Tây Tạng bằng đường hàng không. Tưởng di chuyển bằng máy bay (từ sân bay Tân Sơn Nhất) thì nhanh nhưng vất vả không kém vì phải transit ở Bắc Kinh, Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) rồi mới đến được Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng). Khởi hành lúc 1 giờ sáng, ăn ngủ vật vờ trên máy bay mãi đến chiều tối mới đến được Lhasa. Từ Việt Nam đi qua Mỹ xem ra còn dễ chịu hơn.
Lúc hạ cánh xuống phi trường quốc tế Lhasa, qua ô cửa sổ máy bay, tôi thấy khoảng chục chiếc chiến đấu cơ phản lực “trùm mền” nằm dọc theo phi đạo. Có vẻ như đây là phi trường bán quân sự thì phải. Mang tiếng là phi trường quốc tế nhưng thực ra chỉ có duy nhất đường bay từ thủ đô Kathmandu của nước Nepal láng giềng đến Lhasa mà thôi. Ngày trước, từ phi trường vào đến trung tâm thủ phủ Lhasa mất cả tiếng đồng hồ vì phải đi vòng qua núi. Nay thì sự di chuyển bằng ô tô nhanh hơn nửa tiếng vì người ta đã xây đường hầm băng qua núi. Kể từ khi thực hiện chính sách “hướng về phía tây” của chính quyền trung ương, hệ thống hạ tầng cơ sở của Tây Tạng được cải thiện đáng kể.
Lhasa là một thung lũng nằm ở độ cao 3.650m, tứ bề được các dãy núi cao hơn 5.000m bao bọc. Không chỉ Lhasa, hầu hết Tây Tạng đều có địa hình núi non trùng điệp, tuyết phủ trắng xóa. Ngay cả đỉnh Fansipan của Việt Nam với độ cao 3.143m, được mệnh danh là “nóc nhà của Đông Dương”, vẫn thấp hơn mặt bằng của Tây Tạng. Với độ cao bình quân hơn 4.000m, có lẽ cả Tây Tạng nằm lọt thỏm giữa những tầng mây.

Nơi đất - trời giao thoa - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Lhasa rộng khoảng 550 km2, lớn hơn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) một chút, dân số khoảng nửa triệu người chiếm đa số là người Tạng, còn lại là người Hán và Hồi.
Tây Tạng nói chung và Lhasa nói riêng đều có thời tiết khắc nghiệt vì không khí loãng. Đầu tháng 11, ngay đêm đầu tiên lưu trú, chúng tôi đã chứng kiến bông tuyết rơi là đà trên phố. Thế nhưng đoàn nhà báo chẳng có ai dám tản bộ dưới bầu trời lãng mạn ấy vì lạnh thấu xương. Tôi đã từng trải qua cái lạnh 0 độ ở châu Âu và Mỹ, thậm chí -5 độ ở Bắc Kinh, nhưng cái lạnh 0 độ ở Tây Tạng hoàn toàn khác, nó có thể quật ngã bạn bất cứ lúc nào. Trong 3 ngày ở đây, mặc dù được trang bị bình oxy để thở, đoàn chúng tôi đã có người ói mửa, chảy máu mũi, môi khô nứt, mặt mày tái mét, ăn không được, ngủ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thậm chí có người chỉ muốn vào bệnh viện vì nghĩ mình… sắp chết đến nơi!
Ở Lhasa có một công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới: cung điện Potala. Người ta nói rằng nếu chưa viếng Potala thì coi như bạn chưa đến Tây Tạng, tựa như “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” nói về chuyện du khách đến Bắc Kinh mà chưa leo lên Vạn Lý Trường Thành thì chưa biết gì về Trung Quốc vậy. 
Đoàn Xuân Hải

Tây Tạng ngày nay - Kỳ 2: Potala linh thiêng
Người Tây Tạng, dù ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc, cũng muốn ít nhất một lần trong đời đến Lhasa để viếng cung điện Potala.
Di sản thế giới
Người Tạng hành hương đến Potala vì nơi đây thờ Phật, đồng thời là nơi ngự trị và an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) đã viên tịch.
Cung điện Potala bắt đầu được xây dựng vào năm 1645 dưới thời Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, phải mất 50 năm mới hình thành quy mô như hiện nay gồm Hồng cung và Bạch cung, với tổng cộng 1.000 phòng. Công trình uy nghi này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.

Hành hương lên cung điện Potala - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Chúng tôi đến viếng Potala vào một buổi sáng trời đẹp, nắng dịu dàng điểm xuyết bởi những hạt bông tuyết rơi nhẹ nhàng. Lhasa là một thung lũng được núi bao quanh. Giữa thung lũng có một ngọn đồi và người Tây Tạng đã xây dựng Potala trên ngọn đồi ấy, ở độ cao 3.600m so với mực nước biển, là cung điện cao nhất thế giới hiện nay. Muốn lên đến tầng trên cùng của cung điện - nơi linh thiêng nhất, bạn phải trải qua hơn 300 bậc thang.
Ước tính có hàng ngàn người đến viếng Potala mỗi ngày, đa số là người Tạng cùng một thiểu số du khách thập phương. Trong dòng người ấy, bạn dễ dàng nhận biết đâu là người Tạng, đâu là du khách do trang phục và nét mặt. Phần lớn người Tạng hành hương đến Lhasa đều cầm trên tay tràng hạt hoặc “Kinh luân cầu nguyện” (Prayer Wheel - một vật dụng tâm linh đặc trưng của người Tây Tạng), vừa đi vừa xoay (theo chiều kim đồng hồ) và thầm đọc kinh bằng tiếng Phạn. Chúng tôi hăm hở hòa theo dòng người hành hương chậm rãi bước bộ lên Potala. Sở dĩ phải bước chậm rãi vì ở vùng không khí loãng như Tây Tạng, leo hàng trăm bậc thang rất dễ bị hụt hơi. Quan sát thấy cứ lên hết một tầng, nhiều người phải dừng lại để… thở, kể cả du khách phương Tây, đoàn nhà báo chúng tôi cũng không phải ngoại lệ. Chỉ có người Tạng hình như không biết mệt khi di chuyển trên những bậc thang ấy. Cuộc sống gắn liền với núi đồi đã giúp cho họ có đôi chân dẻo dai nên đi lên Potala chỉ là “chuyện nhỏ”, chuyện lớn chính là đức tin.
Nơi an nghỉ của các Đạt Lai Lạt Ma
Lên cung điện Potala, người Tạng nào cũng tâm niệm phải đặt chân đến các tầng trên cùng vì nơi đó thờ Phật, nơi đặt kim tháp (mộ táng của các Đạt Lai Lạt Ma) và cũng là nơi ngự trị quyền lực chính trị và tôn giáo cao nhất của Tây Tạng trong quá khứ. Lúc ghé thăm phòng tiếp khách của Đạt Lai Lạt Ma, khoảng sân phía trước ghế ngồi của ngài có rất nhiều tấm vải lụa trắng của người hành hương gửi lại. Khi vừa đặt chân đến Lhasa, tôi cũng được anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Tạng tặng cho một chiếc khăn như vậy, ý nghĩa của nó là để chúc phúc.

Người Tạng hành hương đến Lhasa cầm trên tay “Kinh luân cầu nguyện” - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Sự uy nghi và linh thiêng của cung điện Potala khiến người hành hương phải cúi đầu bái lạy, những vị khách lạ cũng không dám làm điều càn quấy. Potala sở hữu vô số hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa lẫn kinh tế, trong đó phải kể đến mộ táng của Đạt Lai Lạt Ma đời trước được làm bằng vàng. Khi đế quốc Anh xâm chiếm Ai Cập, họ đã rinh về mẫu quốc khá nhiều hiện vật thời cổ đại. Trong bảo tàng Anh quốc ở London hiện nay có hẳn một khu vực riêng để trưng bày về nền văn minh Ai Cập, trong đó có cả một ngôi mộ bằng đá hoa cương khá to của Pharaon. Vậy mà lúc xâm chiếm Tây Tạng qua ngả Ấn Độ, người Anh đã không đụng đến mộ táng bằng vàng của Đạt Lai Lạt Ma. Trải qua bao cuộc thiên tai địch họa, kể cả trong cơn bão táp “Cách mạng Văn hóa” (1966-1969) dưới thời Mao Trạch Đông, cung điện Potala vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn những gì hiện hữu bên trong lẫn cấu trúc bên ngoài. Các công trình kiến trúc đặt trên nền đá như Potala có độ bền vững khá cao. Khu Mahattan ở thành phố New York của Mỹ cũng được xây trên một vỉa đá cứng như vậy.
Người ta đã xây dựng một khu hành chính khác để các quan chức và nhân viên làm công việc điều hành Lhasa, Potala vì thế đã không còn là trung tâm quyền lực về chính trị của Tây Tạng nữa. Cung điện ấy giờ đây biến thành viện bảo tàng. Thế nhưng đối với người Tây Tạng, hình như cung điện Potala (hay bảo tàng Potala) vẫn hiện hữu với tất cả sự linh thiêng, sùng bái trong tâm tưởng của họ. Bất kể thời tiết ra sao, những đoàn lữ khách hành hương từ khắp mọi miền vẫn đổ về Potala mỗi ngày, họ đến để minh chứng lòng thành với Phật và có lẽ với một ai đó vì nguyên nhân này khác đã không còn hiện hữu nơi đây.
Đoàn Xuân Hải

Tây Tạng ngày nay - Kỳ 3: Lạt ma và Hoa hồng
Vườn tranh luận - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Ở ngoại ô thủ phủ Lhasa có một tu viện mang tên Sera Monastery mà nếu đến thăm, bạn sẽ chứng kiến một trong những phương pháp tiếp thu kiến thức độc đáo của người Tây Tạng.
Sera Monastery nằm dưới chân núi đá khô cằn, ngoại ô Lhasa.
Tu viện này thuộc phái Mũ Vàng (Gelugpa - Hoàng Mạo), là 1 trong 3 tu viện quan trọng bậc nhất của Tây Tạng, được xây dựng vào đầu thế kỷ 15. Sera Monastery còn được biết đến với tên gọi Tu viện Hoa hồng, bởi chữ Sera trong tiếng Tạng có nghĩa là hoa hồng, vì khi khởi công xây dựng tu viện vào năm 1419, nơi đây tràn ngập hoa hồng dại. Một khu đồi núi cằn cỗi mà lại có hoa hồng mọc lên, tô điểm thêm cho sự kỳ bí của tu viện này. Thêm nữa, trên một đất nước rộng mênh mông như thế mà các bậc đại sư thời xưa lại chọn khu đất có hoa hồng để xây tu viện, chắc không phải ngẫu nhiên.
Tu viện Sera được biết đến như là Trường đại học Phật giáo của Tây Tạng. Khu vực này khá rộng, gồm 3 trường: Sera Mey Dratsang (giáo dục kiến thức cơ bản), Sera Jey Dratsang và Ngagpa Dratsang (đào tạo Lạt ma phái Mũ Vàng có trình độ tương đương cử nhân và tiến sĩ Phật học), tu sinh phải học và thi khoảng 300 loại kinh kệ, chưa kể các môn khoa học khác. Giống như các trường đại học trên giới, tu viện Sera cũng có ký túc xá dành riêng cho tu sinh. Đào tạo Lạt ma chỉ dành cho nam giới từ 16 tuổi trở lên, do đó không hề có nữ tu sinh trong các tu viện ở Tây Tạng. Hiện tại muốn vào bên trong tu viện, bạn phải trình giấy thông hành đặc biệt cho đồn cảnh sát đặt ở đầu đường vào.
Vào những buổi chiều, trong vòng từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, dưới bóng râm của những tán cây có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, các tu sinh của tu viện Sera tụ tập lại (giống như giờ ra chơi) để trau dồi kiến thức trong không gian gọi là Vườn tranh luận với mặt sân toàn đá cuội. Người đứng đập hai bàn tay vào nhau nghe “chát” một cái, uốn hai cánh tay nhẹ nhàng như một vũ công, rồi hỏi người ngồi một câu gì đó. Người ngồi trả lời, người đứng hỏi tiếp với cùng điệu bộ ấy.
Có thể xếp Vườn tranh luận của tu viện Sera vào loại sôi động nhất trong hệ đại học trên toàn thế giới. Qua lời giải thích của anh hướng dẫn viên du lịch người Tạng, sự tranh luận ấy được thể hiện bằng kiến thức phổ thông hoặc thâm sâu tùy theo nội dung câu hỏi và câu trả lời của các tu sinh, ví dụ: Người hỏi: Lá cây có màu gì? Người trả lời: Màu xanh. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây có màu xanh? Trả lời: Do diệp lục tố tạo nên. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây chuyển sang màu vàng? Trả lời: Đó là dấu hiệu của sự chuyển mùa. Hỏi tiếp: Tại sao lá rụng?  Trả lời: Là do lá chết. Hỏi tiếp: Tại sao lá chết mà cây không chết? Trả lời... Cứ như thế, “giờ ra chơi” giúp các tu sinh “truy bài” nhau đi đến tận cùng của tri thức, một cách giúp họ lĩnh hội những tinh tú của nhân loại trong vũ trụ bao la trước khi tốt nghiệp thành Lạt ma.
Cuối buổi tranh luận, tất cả tu sinh đội mũ vàng lên tập trung lại để các bậc đại sư giải thích những câu hỏi có phần bí hiểm hoặc câu trả lời chưa thỏa đáng, rồi đưa ra lời giải cuối cùng cho một câu hỏi chưa có lời giải hoặc trả lời chưa trọn vẹn, coi đó như chân lý để các tu sinh nạp thêm vào kho tàng kiến thức của mỗi người.

Du khách tham quan tu viện Sera - Ảnh: Đoàn Xuân Hải 
Trước cuộc chính biến xảy ra vào năm 1959, tu viện này có hơn 5.000 tu sinh, ngày nay con số ấy chỉ còn khoảng 800 người. Cả Lạt ma và tu sinh theo học ở tu viện Sera được đài thọ kinh phí dạy và học (giống như tiền lương cho giảng viên và học bổng cho sinh viên) cho nên không phải muốn vào học là được, phải trải qua một quá trình “xét tuyển” hạn chế và khắt khe. Không phải tất cả tu sinh đều trở thành Lạt ma, những ai không hội đủ điều kiện trong quá trình theo học tại tu viện đều có thể hồi gia hoặc ra khỏi trường, nhập thế để trở thành một con người khác.
Sau khi tốt nghiệp và hành đạo, Lạt ma sẽ chọn thời điểm để di hành lên chốn thâm sơn cùng cốc, chọn cho mình một cái hang để khổ luyện trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày. Tại sao không chọn số 2 hoặc số 4, mà phải là số 3 âu cũng là điều bí hiểm. Nếu tính đủ 1 năm 365 ngày và tháng đủ 30 ngày thì quá trình “hành xác khổ luyện” ấy diễn ra đúng 1.209 ngày. Trong quá trình ngồi thiền nơi hang núi, các Lạt ma rèn luyện và đạt được một số khả năng siêu phàm. Một trong những điều siêu phàm như vậy, theo nghiên cứu của một số nhà Tây Tạng học, là khả năng giao tiếp giữa vị Lạt ma này với vị Lạt ma nọ ngồi cách nhau vài quả núi, tựa như thần giao cách cảm. Với thời tiết khắc nghiệt như Tây Tạng, ăn uống kham khổ và điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu, chừng ấy ngày ngồi thiền một mình ở chốn hoang vu giá lạnh để đắc đạo xuống núi đủ thấy cơ thể ấy, tinh thần ấy, lý trí ấy bền vững thế nào. Người phàm như tôi, không cần đến 3 tuần, chỉ sống 3 ngày như vậy thôi chắc còn lại cái xác không hồn, nói cách khác sẽ trở thành “linh hồn tượng đá”…
Đoàn Xuân Hải



Tây Tạng ngày nay - Kỳ 4: Hai cảnh đời chốn tâm linh
Ở Lhasa có một ngôi chùa nằm lọt thỏm trong khu phố cổ, rất linh thiêng, đó là chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple) - cũng là nơi hành hương không thể thiếu giống như cung điện Potala đối với người Tây Tạng theo đạo Phật.
Phía trước mặt tiền của chùa là một quảng trường mang tên Bakhor với nhiều cửa hiệu buôn bán náo nhiệt. Ở Lhasa người ta dùng song ngữ Tạng - Hoa trên các biển hiệu quảng cáo, một số ít cơ quan có thêm tiếng Anh, ra xa lộ thì chỉ có bảng hướng dẫn lưu thông bằng tiếng Hoa mà thôi. Bakhor là một trong hai quảng trường trung tâm của Lhasa, quảng trường kia nằm đối diện cung điện Potala, có một đại lộ mang tên Bắc Kinh chạy ngang.

Tượng vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành 
Chùa Đại Chiêu được vua Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố) xây dựng vào thế kỷ 7 (năm 647). Gampo là người sáng lập đế quốc Tây Tạng (cùng thời với nhà Đường của Trung Hoa cổ đại), đồng thời là vị vua có công chấn hưng Phật giáo Mật Tông trên cao nguyên này. Chùa Đại Chiêu linh thiêng nhất đối với người dân Tây Tạng, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Vua Gampo có 3 bà vợ: Đệ nhất hoàng hậu là công chúa Bhrikuti Devi của Vương quốc Nepal; Đệ nhị hoàng hậu là công chúa Văn Thành (tiếng Tạng là Munchang Kongcho), cháu gái của vua Đường Thái Tông; Đệ tam hoàng hậu là Trimoyen Dongsten (người Mông Cổ). Giống như những cuộc “hôn nhân chính trị” của các vương triều xưa, sự kết hôn của vua Songtsan Gampo thời bấy giờ với người của các nước láng giềng nhằm thắt chặt “tình thông gia hữu hảo”, tránh lâm vào cảnh chiến tranh. Ở tỉnh Tứ Xuyên giáp với Tây Tạng, có một bức tượng (không biết dựng lên vào năm nào) chân dung vua Gampo và hoàng hậu Văn Thành sánh đôi cao to, đứng trước một cổng thành cổ, như minh chứng cho mối tình bất diệt Tạng - Hán thời xa xưa.
Cùng với vua Gampo, hai hoàng hậu Devi và Văn Thành được tôn sùng là Tam Thánh Mật Tông Giáo ở Tây Tạng. Khi “về nhà chồng”, cả đệ nhất và đệ nhị hoàng hậu đều mang theo tượng Phật bằng vàng ròng (như của hồi môn) đặt vào chùa Đại Chiêu. Trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc, tượng Phật của hoàng hậu Devi đã bị phá nát. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, Thủ tướng Chu Ân Lai đã thành công khi can thiệp với chính quyền trung ương Trung Quốc bảo tồn tượng Phật Thích ca Mâu ni của công chúa Văn Thành tránh bị phá hủy. Tượng Phật của hoàng hậu Devi hiện nay nằm chính diện trong chùa Đại Chiêu là do được phục chế vào thập niên 1980, đúng như nguyên bản.

Khu chợ bán hàng lưu niệm bên ngoài chùa Đại Chiêu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Số lượng khách hành hương đến cung điện Potala và chùa Đại Chiêu ước tính bằng nhau. Người Tây Tạng đến chùa Đại Chiêu cũng là dịp để một lần trong đời biết được điều huyền bí về bản thân mình. Điều huyền bí ấy là, sau khi lễ Phật, khách hành hương sẽ được các nhà sư hướng dẫn nhìn vào một ô cửa nhỏ để biết được vận mạng của mình ở kiếp sau. Du khách nước ngoài thường bỏ qua công đoạn này vì hai lẽ: Thứ nhất, bạn phải là tín đồ Phật giáo mộ đạo, có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của chùa; Thứ hai, bạn phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt vì số lượng người muốn trải qua công đoạn này… quá đông. Tuy đông người nhưng mọi nghi lễ trong chùa Đại Chiêu đều diễn ra trật tự, nền nếp. Chỉ có điều, giống như nội quy ở cung điện Potala, du khách không được phép chụp hình, quay phim bên trong chùa Đại Chiêu. Đến một vài điểm tham quan ở Tây Tạng, bạn chỉ được tự do ghi hình khi đang ở không gian bên ngoài, thấy ánh nắng mặt trời, mây lượn cùng gió và chim chóc tung bay.
Bên ngoài chùa Đại Chiêu là cả một không gian náo nhiệt. Phía trước chùa có khá đông tín đồ Phật giáo hướng về mặt chính của chùa bái lạy không ngơi nghỉ theo tư thế nằm úp mặt xuống đất. Nghe nói họ phải thực hiện đủ 100.000 lạy như thế trong đời mình, quả là đáng nể. Sự náo nhiệt ấy còn do khu chợ bán hàng lưu niệm tạo ra. Chủ quầy hàng có cả người Tạng và Hán, rất ít người nói được tiếng Anh. Bản chất người Tây Tạng xưa nay vốn hiền lành, thật thà chất phác, ấy vậy mà khi mua hàng tại đây, hướng dẫn viên du lịch nhắc chúng tôi rằng hãy tích cực… trả giá. Ví dụ: người bán nói món hàng ấy 100 đồng, bạn hãy mạnh dạn trả còn 20 đồng thôi, nếu vì “lịch sự” trả giá xuống 50% coi như “dính chấu”.
Quảng trường Bakhor có lẽ là nơi nhộn nhịp nhất thành phố Lhasa với khá đông người hành hương lẫn du khách. Tại đây, cơ quan chức năng chuẩn bị nhiều bình xịt màu đỏ mà thoạt nhìn có người nghĩ là bình ô xy, nhằm giúp cho những du khách khó thở vì không khí loãng. Nhưng rốt cuộc mọi người mới phát hiện đó không phải bình ô xy mà là bình... cứu hỏa. Những chiếc bình này sẽ được dùng để dập tắt đám cháy do ai đó vô tình hay cố ý gây ra ở quảng trường. Rất may là không có đám cháy nào xảy ra trong suốt thời gian chúng tôi hiện diện nơi đây.
Khi máy bay cất cánh rời thủ phủ Lhasa, có nhà báo nói vui đó là “cuộc đào thoát khỏi Tây Tạng” vì thời tiết ngày càng lạnh hơn, lưu trú thêm vài ngày nữa chắc… bỏ mạng. Hài hước vậy thôi chứ Tây Tạng xưa nay vẫn là vùng cao nguyên rất đáng để bạn đến tham quan một lần trong đời, và sẽ không uổng công.   
Đoàn Xuân Hải

Tây Tạng, giọt nước mắt giữa lưng trời tuyết trắng
Lòng mộ đạo của người Tạng, khi đọc sách báo, xem phim tài liệu, tôi từng nghĩ nó có cái gì đó là huyền thoại, là si sản trong… phim tài liệu. Tức là có thể người ta phục dựng thêm để nói về một “sản phẩm văn hóa tôn giáo” quá ư độc đáo chăng?


                             
                          Điệp trùng núi tuyết trên đường bay lên nóc nhà thế giới Tây Tạng.

Song, đến khi nhập Tạng, tôi chợt thấy cần phải đứng trước hồ Thánh thần và các tu viện cổ lừng danh hơn 1.000 năm tuổi để tạ lỗi… từng suy nghĩ báng bổ. Càng đi tôi càng thấy mình trở thành kẻ có cái gì hơi vô thần trước lòng tin tôn giáo tột độ đắm đuối của bà con nơi này. Tôi hiểu, niềm tin đó làm cho người Tạng an nhiên tự tại hơn, có trách nhiệm với mình và với đời hơn. Tử tế hơn. 

Lòng sùng kính “ngũ thể nhập địa”

Trên nóc chùa Đại Chiêu 1300 năm tuổi, người mộ đạo vẫn hằng ngày bồi đắp, tu sửa - dẫu nắng to, gió lạnh khiến họ phải bịt kín toàn thân, chỉ hở hai cánh tay và đôi mắt. Phía sau hai người phụ nữ ở bìa trái ảnh, là Di sản 

                              
                             văn hóa thế giới cao nhất quả đất: Cung điện Potala cao 137 tầng.

Với khoảng 16.000 tu viện lớn nhỏ, cho hơn 2 triệu dân, Tây Tạng không hổ danh khi được loài người gọi là miền đất chư thiên. Tu viện, đền đài, chùa tháp dày đặc. Nếu bạn thực sự là khách du lịch, thì đúng là ngoài ngắm 4 cái hồ và vài đỉnh đèo ra, đất Tây Tạng đón khách với chủ yếu là tu viện và đền đài. Chùa Đại Chieu xây từ thời công chúa Văn Thành (thời nhà Đường ở Trung Hoa, năm 618 đến năm 907) nhập Tạng làm vợ vua Tùng Tán Cương Bố. Đó là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất Tây Tạng. Tương truyền, khi xây, Công chúa Văn Thành phải ném chiếc nhẫn tuyệt bích của mình vào rồi sai dê thần đổ đất khắc chế yêu nữ quấy nhiễu những người thợ cũng như bao đời lương dân. Theo tiếng Tạng, con dê là “ra”, chiếc nhẫn là “sa”. Từ đó, nơi này mang tên Ra Sa, dần dần âm bị biến thành Lhasa. Nay, tên của thủ phủ Tây Tạng và đôi khi cả miền đất Tạng rộng lớn này đều là Lhasa. Hoặc như, cung điện Potala (được xây dựng năm 1645), Di sản văn hóa thế giới ở nơi cao nhất quả đất, một kỳ quan vừa là nơi thờ tự vừa là nơi làm việc hành chính của nhiều đời Phật sống Đạt Lai Lạt Ma. Cung điện rộng tới hơn 1.000 phòng, cao 137 tầng, hơn 10.000 bàn thờ các vị Phật, 20.000 bức tượng. Nhiều vị tượng rát vàng khổng lồ và hằng ngày hàng tháng phật tử vẫn cúng vàng vào để các nhà sư tiếp tục thếp bồi cho mình vàng linh thiêng ấy cứ dần lớn lên theo cả nghĩa bóng lần nghĩa đen. 

Tôi thẫn thờ chứng kiến cảnh đoàn người mộ đạo đông đúc nằm dài trên các nền đá, gạch trước chùa, đền, tu viện. Ai chụp ảnh họ mặc kệ hoặc có khi cau có nhè nhẹ rồi xua tay, giống như “sao mi lại lấy việc ta lễ chư thiên là thứ để… vẽ vời bày đặt” (?). Nhiều người đã đi hàng trăm cây số để đến “ngũ thể nhập địa” trước cửa đền Đại chiêu, dưới chân cung điện Potala hay hàng trăm đền đài ở thành phố Shigatse, hay rìa thủ đô Lhasa. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng nhìn du khách, chỉ chăm chắm hướng lên bầu trời và về phía bạt ngàn thành quách của Niềm tin vào đấng tối cao. Đi ba bước (tam bộ) là ngũ thể (gồm chân, tay, ngực, trán… ) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa).

                                            

                                                               Ngũ thể nhập địa

Các nhà nghiên cứu nói, đây là cách vái lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Trán họ vồng lên, u bướu và xám xịt với các vệt sẹo, vệt chai sần đen thẫm, quần áo họ rách bươm tơ tướp. Bụng họ ấp một tấm da cừu da ngựa còn cả lông lá đã sờn rách vì mài xuống núi xuống gạch đá dọc đường đi không biết bao nhiêu lần. Hai tay họ có khi được “đơn giản hóa thủ tục” một chút bằng cách đeo hai cái guốc mộc có quai da để khi “nhập” đánh cộp một cái đủ “ngũ thể” xuống đất thì hai bàn tay là nơi chịu lực chính nó sẽ không chảy máu. Họ cứ “hành xác” như thế hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây số, có khi đứng một chỗ ngoài cửa đền, trong một đêm họ vái như vậy hàng nghìn hoặc cả vạn lượt. Có khi, suốt cả một đời người, đi từ quê hương mình đến miền đất Thánh, người ta phải vượt qua bão tuyết, cát vùi, thiên nhiên khắc nghiệt và trước đây là cả kẻ cướp giết chóc. Nhưng họ quyết tâm đi, tự nguyện đi. Họ coi đó là việc cần và đáng làm nhất trong cuộc đời mình. Sử sách từng chép lại rất nhiều người vĩnh viễn không bao giờ đến được miền đất tâm linh, bởi họ bị gió rét, bão tuyết hoặc kẻ xấu giết chết dọc đường. Tôi vẫn thường kính trọng ngồi xuống quan sát những ông già bà cả, đấm lưng, vặt cổ, lòng khòng đi từng bước nặng nhọc quay các khối “chuyển luân chung” (chuông chuyển kinh từ cõi người lên cõi của Chư Phật) khổng lồ nằm như cái bom bia hay hũ rượu vang làm bằng đồng xếp la liệt ven tu viện đền đài. Trong khi đó, tay họ vẫn không ngừng quay vèo vèo một cái vật tròn có tua rua như đồ chơi trẻ con trên tay (cũng là một vật cầu nguyện kiểu pháp luân chung);  miệng họ không ngừng cầu nguyện bằng tiếng Tạng, phiên âm ra tiếng Việt là “úm ma mi bát mê hồng”. Mỗi khối chuyển luân chung tròn linh thiêng đúc bằng đồng có trục dọc để lúc nào cũng quay tròn đó, chứa đến 10 nghìn câu kinh kệ. 

                                   



                                            Tuyết trắng trên đỉnh đèo Kapala huyền thoại.

Ven hồ, dọc núi, các lối đi, bao giờ cũng tràn ngập các gò đá lớn nhỏ do người Tạng xếp lên khi cầu kinh, gọi là các manidoi. Có khi họ xếp cả đầu lâu, sừng động vật to kềnh càng lởm chởm ở ven hồ, ven núi. Có khi cắm cả những cái cọc buộc sù sụ từ đất lên gần chạm mây toàn lông cừu, lông trâu yak, lông ngựa trùm xòa quái dị. Khi thì họ lại viết điều mình cầu nguyện lên các lá cờ, treo chúng xanh đỏ tím vàng rợp kín các dãy núi. Sử sách còn chép rõ, vị Thánh tăng Hư Vân (1840-1959) đã thực hiện chuyến hành hương về thánh địa theo quy cách Tam bộ nhất bái rồi ngũ thể nhập địa từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Hành Sơn, với chiều dài 2.500km, kéo suốt nhiều năm trời. Xin hãy đọc lại những gì mà cuốn “Con đường mây trắng” (dẫn ở bài trước) đã diễn tả lại. Người hành hương đến núi Ngân Sơn, giữa đỉnh trời mây và tuyết trắng linh thiêng bậc nhất Tây Tạng, như sau: “(…) họ lên đường mà không có gì bảo vệ chống lại mưa gió và không ngại cả chết đói hay chết cóng, những người đó đáng cho ta khâm phục. Họ không ngại sống chết, cướp bóc hay đói khát vì họ biết cách tự thể nhập mình thống nhất với sức mạnh thần thánh của vũ trụ. Nhiều người hành hương như thế đã không bao giờ trở lại quê hương mình; thế nhưng ai trở về, người đó đã là sự minh chứng lòng nhiệt thành cao nhất và niềm tin kiên định nhất. Họ trở về với ánh mắt long lanh, tâm hồn được làm giàu bằng một sự chứng thực mà suốt đời họ sẽ là nguồn năng lực và cảm khái, vì họ đã đối diện với cái vô cùng và đã tận mắt nhìn xứ sở của thánh thần”. “Giờ đây khách không cần ai bảo vệ, vì mình vừa là rồng, vừa là kẻ cưỡi rồng, là kẻ cúng tế vừa là vật tế lễ, là ma quái vừa là thượng đế. Và khi người hành hương cúi đầu cho trán đụng đất thiêng và ném vài viên đá vào nơi mà những người đi trước đã ném vào thành đống để nói lên lòng biết ơn và niềm vui mừng thì niềm mơ ước của mình nay đã thành sự thực. Khách nhắc lại trong tâm như lời cầu nguyện: “Mong sao tôi đừng quên phút giây này. Mong sao nó hiện diện mãi trong tôi”.

Từ  “thiên táng” đến những cái thang trắng dắt linh hồn người 

                                       
Trên bất kỳ ngọn núi nào dọc đường, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng trăm hình vẽ những chiếc thang dắt linh hồn người lên Trời, cùng cờ phướn và các bích họa hình Phật khác.

Cũng khó có ở đâu, cái chết trong quan niệm lại nhẹ bồng và hân hoan như nơi này. Người ta ước ao sẽ được chặt xác mình làm muôn mảnh bởi một pháp sư sau nghi lễ thiêng. Táng thức ấy rùng rợn đến mức cả nhân loại phải sửng sốt. Trên đỉnh núi thiêng, đỏ đọc và be bét xương thịt của chính cái con người vừa nằm xuống, người ta đốt hương liệu thơm nồng dụ đàn kền kền đến ăn, để xương cốt thịt da trần tục của Con Người được nương theo đó mà lên Trời. Cũng có khi lễ thiên táng (còn gọi là điểu táng, chôn vào bụng chim kền kền) rùng rợn này biến thành thủy táng, thịt người quá cố xẻ ra thả xuống nước cho cá của dòng sông ở nơi cao nhất thế giới Yarlung Zangbo (thượng nguồn của sông Mê Công chảy qua 5 nước rồi về Việt Nam ta) mang đi. Suốt dọc con đường từ Lhasa, vượt 140km đèo dốc rợn người đi Shigatse, chúng tôi liên tục gặp trắng toát những cái thang vẽ bằng chất liệu như vôi hoặc sơn công nghiệp “dựng” chi chít dọc vách đá, thang nối từ sông lên đường, vượt qua quốc lộ lên chỗ núi xám vờn mây xanh. Anh Cường, người bạn đồng hành mộ đạo Phật đến kỳ lạ của tôi ngồi mở máy tính xách tay, cho xem những thước phim khủng khiếp mà anh và cộng sự đã quay về lễ thiên táng đỏ rợn người với cảnh băm xác rồi kền kền nanh vuốt kéo đến bầy hầy xâu xé. Phim đã hoàn thành, anh Cường là nhân vật trải nghiệm, những người thực hiện trên tinh thần thiện nguyện của đạo pháp, họ đã chính cống phát hành rồi ngắt khúc ra tải một cách lành mạnh lên Yotube (mang tên “Ký sự Tây Tạng”). Điều đáng nhấn mạnh ở đây là: người Tạng coi thủy táng hay thiên táng là một nghi lễ thiêng liêng, lành lẽ, nó hân hoan như hóa giúp người khác từ kiếp bụi trần nặng nhọc sang một cõi sáng láng siêu nhiên vậy. Được thiên táng là một vinh hạnh của một đời người, nghe nói, ai “đẳng cấp” kém hơn thì mới tính đến thủy táng.


                                   

Theo truyền thống, các nhà sư ở tu viện cổ này luôn tranh luận náo loạn để tìm ra chân lý trong việc học và tu luyện. Họ vỗ tay, vung tay, ai cũng cất lời oang oang trong khu vườn xanh mát rải sỏi đá lạo xạo.

… Lòng mộ đạo vô biên và đáng ngỡ ngàng và kính trọng ấy. Vẻ đẹp choáng ngợp của những viên ngọc hồ xanh treo trên núi tuyết mênh mang vĩnh cửu và nhiều nghìn đền đài tu viện cổ kính ấy. Lại còn cả nỗi ám ảnh hội chứng độ cao hãi hùng, thập tử nhất sinh kia. Với tất cả ngần ấy, ai dám ưỡn ngực hứa chắc là mình sẽ gặp lại Tây Tạng trong một  ngày không xa. Tôi có anh bạn đã đi Tây Tạng đến lần thứ 13. Riêng tôi, nói giữa vùng đất chư thiên, với tất cả lòng ái mộ và xúc cảm dâng trào của mình: không dám hẹn ngày tái ngộ. Bởi đó là chuyến hành hương tuyệt vời nhất nhưng có lẽ cũng khổ ải nhất. Vẻ đẹp và trải nghiệm thiên thần kia, hãy nâng niu và thờ phụng nó như “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”. Gặp lại lần sau, chắc gì ta đã còn là ta, mà chắc gì con đường sắt kỳ vĩ cao nhất thế giới xuyên từ mặt đất lên đỉnh trời Tây Tạng kia đã cho phép miền văn hóa tâm lịch sặc sỡ trên lưng trâu yak, trên các đỉnh núi tuyết của Hy Mã Lạp Sơn, trên đỉnh hồ xanh Nam-sto kia còn là chính nó? Thôi, thế giới còn gần 200 quốc gia đang vẫy gọi, mấy chục năm tuổi trời, cố mà đi thêm vài chặng đáng nhớ nữa, chả dám mơ leo lên nóc nhà thế giới, “Từ Thức nhập thiên thai” để gặp Tây Tạng lần nữa đâu.

Xia - Monday, cô gái Tạng thiện chiến như một con báo lửa, đành lỡ hẹn kiếp này với em. Giữa đỉnh trời tuyết trắng, em vẫn hằng kiêu  hãnh vén mây nhìn xuống những người sống cách em cả vạn cây số, sống sâu dưới mặt biển hơn em những 5.000m đúng không? Em vẫn thường mỉm cười ái ngại cho những kẻ ở ngang mực nước biển như chúng tôi, khi thấy ai cũng bị hội chứng độ cao luôn miệng kêu “tôi không ăn gì đâu, tôi chết mất” đúng không? Phải rồi, cái hội chứng ấy, người sinh ra, lớn lên ở tít trên “nóc nhà thế giới” như em không bao giờ có cơ hội gặp phải. Được, bây giờ tôi sẽ mail cho Xia, nói rằng khi chia tay em, trong cái bao la và hữu hạn của trời và kiếp người, tôi đã khóc như một đứa trẻ chớm bạc đầu ra sao. Tây Tạng, vừa gặp đã nghĩ rằng nếu chia tay thì nhớ lắm lắm. Tây Tạng, chưa chia tay đã biết rằng chỉ có thể tái ngộ trong kiếp sau.

                                 



                                Một bức tranh cổ của người Tây Tạng, được vẽ ở nơi linh thiêng.

                                                                                                                            Đ.D.H


Những đỉnh tuyết sơn và hồ xanh thiên đường

Có người hỏi tôi, sau những ngày lang bạt trên nóc nhà thế giới Tây Tạng, cậu nhớ cái gì nhất? Trả lời: Nhớ giọt nước mắt của mình giữa đỉnh trời tuyết sơn vĩnh cửu.
Sao lại lấy mình làm trung tâm của vũ trụ thế, nói về cái gì của trời đất hay của con người xứ Tạng đi? Không, Tây Tạng là nóc nhà thế giới, là cực thứ ba của trái đất, là miền đất chư thiên (theo tiếng Arập và tiếng Ba Tư, Tây Tạng chiết tự ra nghĩa là: “Ở các độ cao”). Mây trắng tinh khôi, tuyết trắng nhức mắt, trời và hồ nước ngọt, nước mặn ở vòi vọi trên khoảng 5.000m (so với mực nước biển) kia, nó xanh như không có thực trên đời.

Và nữa, sự khắc nghiệt đến mức thở xong một hơi nặng nhọc ở đỉnh đèo cao nhất thế giới, ven con hồ nước ngọt cao nhất thế giới đó, tôi không dám tin mình còn đủ sức thở thêm một hơi tiếp theo nữa. Vậy nên, lúc chia tay ở phi trường Lhasa cao nhất thế giới ấy, tôi đã nắm tay Xia (tên tiếng Anh là Sunday) - nàng phiên dịch người Tạng lanh lẹ như một con báo gấm đó - rồi dấm dúi gạt nước mắt. Không nói được câu  nào, không dám hẹn ngày tái ngộ.

Bây giờ ngồi nhớ lại tôi vẫn có cảm giác sợ sệt. Cái tuổi già mắt mờ chân chậm, cái lúc sương khói phủ mờ cõi dương gian của một kiếp con người, nếu ai đó từng gặp, có lẽ nó chính là cảm giác bước chân trong kiệt sức vì thiếu dưỡng khí, với hội chứng độ cao khủng khiếp này đây. Tôi nâng niu từng hơi thở, để gặn chắt sức mình mà nhỏm dậy bấm một kiểu ảnh, rồi thiếp đi trên con đường thiên lý đẹp đến choáng ngợp. Thế nên khi bạn Monday hỏi: Bao giờ anh trở lại thủ đô Lhasa, thành phố Sigaetse, rồi hồ Yamdrok-sto, sông Yarlung Zangbo; tôi đành thở hắt cố giấu người bạn tốt giọt nước mắt của mình.

Nhưng bù lại, Tây Tạng giống như là một cõi khác, một kiếp khác. Nơi này vừa gặp người ta đã lo sợ nếu phải xa nó thì sẽ nhớ biết chừng nào. Thiên nhiên trên nóc nhà thế giới đẹp rợn ngợp, như Xuân Diệu viết: “Ta là một là riêng là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (bài thơ có tên “Hy Mã Lạp Sơn”, tức Everest). Máy bay cứ ù lỳ trôi như câm lặng, như vô định qua những đỉnh núi, những dòng sông băng giá trắng toát nối tiếp nhau hàng nghìn cây số. Trong nắng trong vắt, những đỉnh núi tuyết tự đổ cái bóng sẫm đen lên núi và lên tuyết, tạo nên những hình khối lạ lùng.

Có lẽ, rất rất ít loài động vật sống được trong hàng triệu cây số vuông núi tuyết quây kín nóc nhà thế giới kia? Cỏ cây thì tuyệt nhiên không thấy bóng rồi. Sơn hệ lớn nhất thế giới, cao nhất quả đất ấy, cứ băng giá và cô liêu bất tận mãi thế ư? Tây Tạng có độ cao trung bình khoảng 4.500m so với mực nước biển, con đèo cao nhất thế giới mà tôi sắp hạ cánh để leo lên nó cao khoảng 5.200m so với mực nước biển. Từ đỉnh đèo đó, hạ cánh những 5.000m nữa thì mới đạt độ cao... của sân bay Tân Sơn Nhất và những phố xá vẫn bị thuỷ triều tấn công ở Việt Nam.

Nhìn những đỉnh núi 7.756m rồi Everest 8.850m vòi vọi trong sơn hệ Himalaya - xương sống của địa cầu - nằm trùm lên biên giới Tây Tạng và Nepal, anh bạn tôi bảo, mình cứ ngắm say sưa, cứ gửi vào các dòng sông băng và các đỉnh tuyết sơn cô độc kia một ánh nhìn, một ký ức, một sự tưởng tượng mộng mơ. Bởi biết chắc, kiếp này không bao giờ ta đến được nơi đó. Và có lẽ, nghìn kiếp sau nữa, trái đất chưa chắc đã sinh ra được một cá thể người nào đặt chân được đến hoang vu nọ.

Bất giác tôi rùng mình vì sự mênh mông vài giờ bay chưa hết nhấp nhô điệp trùng núi tuyết. Nhìn sang bên, mấy cô tiếp viên xinh đẹp người Tạng cứ dịu dàng yêu cầu quý khách về lại vị trí ngồi ghi trên thẻ hành khách, rồi chính cô lại phải mỉm cười cảm thông, mặc kệ những du khách khoa chân múa tay nhòm rồi chĩa đủ thứ ống kính máy ảnh, máy quay ra cửa kính trong lần đầu theo đường trời tuyệt kỹ tới thủ phủ Lhasa của xứ Tạng. Bên cạnh tôi, hai người đàn bà có gương mặt đặc sệt Tây Tạng cứ nhắm mắt, tay lần tràng hạt, tiếng cầu kinh lầm rầm như bay lượn êm êm. Hình như, họ vẫn cứ cầu kinh, đọc mật chú thiêng, lần tràng hạt, quay bánh xe luân pháp như cơm ăn nước uống hằng ngày.

Cung điện Potala - di sản văn hoá thế giới ở nơi cao nhất địa cầu
.Hy vọng có thể thở thêm được một hơi nữa...

Các nhà khoa học đã chứng minh được, cái gene của người Tây Tạng có sức tiến hoá và thích hợp với hội chứng độ cao nhất thế giới. Vì thế, họ cứ mỉm cười cảm thông khi thấy du khách ai cũng bẻ những ống thuốc nước màu tím sẫm đựng trong hệ thống lọ bằng thuỷ tinh hình con thoi mà uống để chữa trị chứng bệnh choáng ngất do độ cao. Họ thương hại khi thấy du khách bò lê kéo càng dùng bình ôxy, uống sữa trâu yak pha bơ với trà nóng để tiếp thêm sinh lực.

Trước khi nhập Tạng, tôi đọc khá nhiều tác phẩm văn học, báo chí, phim ảnh, ký sự bằng hình về Tây Tạng, đúng là người ta có nhắc đến việc không khí loãng gây đau đầu buồn nôn, chảy máu cam, ngất xỉu dọc đường. Cả trong các sách về du lịch, các lời khuyến cáo trong đơn vị tổ chức cũng có nhắc đến điều này. Song, tôi xin khẳng định: Nếu ai cũng nói đúng tầm của nỗi kinh sợ hội chứng độ cao, thì sẽ có rất nhiều người phải nghĩ lại với ý đồ lên nóc nhà thế giới của mình. Nhóm chúng tôi không ai là không kiệt sức.

Trên ôtô bao giờ cũng có đủ mỗi người một bình thở ôxy. Trong khách sạn cũng vậy. Đặc biệt, ở bảng hướng dẫn nội quy khách sạn, người ta cũng không quên dán danh mục các loại thuốc hoa hồng, thuốc đặc trị chứng bệnh độ cao. Họ cũng niêm yết khắp nơi số điện thoại của phòng y tế để ngay lập tức họ có mặt đo huyết áp, cấp cứu từng bệnh nhân một. Nói không ngoa, một nửa số người trong nhóm chúng tôi phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ, dẫu họ đa phần là trai tráng cơ bắp ác liệt, từng chinh đông chinh tây. Người yếu thì máy bay ở phi trường Lhasa vừa mở cửa đã nằm bất tỉnh nhân sự.

Tôi cũng cảm giác rõ như nguồn sống cạn dần, cạn dần từng khoảnh khắc. Chúng tôi cứ bò ra sàn khách sạn 4 sao, thỉnh thoảng mộng mị hỏi nhau, bạn đỡ hơn chưa? Nhưng hình như càng uống thuốc chống hội chứng độ cao, cơn choáng dường như càng nặng. Khoa học giải thích: Không khí ở trên cao loãng, lượng ôxy vào máu quá ít so với bình thường, dẫn đến rối loạn các hoạt động sống của cơ thể. Đấy là chưa kể, nơi này quá khắc nghiệt: Nhiệt độ trong ngày có thể dao động đến hơn 30 độ từ trưa nắng đến đêm khuya đầy tuyết.

Hậu quả phổ biến với đoàn chúng tôi là: Bữa đến, đại yến và tiểu yến đều bỏ ế toàn phần, ai nấy nhìn nhau không nói, không cười, không kêu rên. Môi tôi nứt nẻ như cái ruộng cấy gặp đại hạn, khóc hay cười đều đau nhói. Mặt ai nấy bạc đi, không thiết một cái gì trên đời. Bỏ mấy chục triệu đồng (tối thiểu) leo lên vùng đất mái nhà thế giới, miền đất chư thiên chư thánh ước mơ cả đời, nhưng đúng là đến tu viện cổ nhất Tây Tạng ở gần thành phố lớn thứ hai đất nước này Shigatse, mái điện dát vàng ròng nghìn năm tuổi, tôi vẫn phải  nằm bẹp ngoài xe.

Ngủ trong khi trời nắng chang chang, nhiệt độ ngoài trời vẫn 4 độ C, tuyết vẫn trắng các dãy núi. Nằm ngoài cửa tu viện, tôi bèn chĩa ống kính vào tu viện thở dài bấm vài kiểu ảnh cho khỏi tủi thân. Đến đỉnh đèo Kapala tuyết trắng và con hồ nước ngọt cao nhất thế giới Yamdrok-sto xanh kỳ ảo, xin thề có giời đất và con người Tây Tạng, tôi và nhiều người trong đoàn không còn đủ sức leo qua 100m từ quốc lộ lên cột đá đánh dấu “đỉnh cao kiêu hãnh” nữa. Bởi cảm giác mất trọng lượng, không điều khiển nổi chân tay, đặc biệt là đầu đau, gió buốt, hễ tiêu hao năng lượng vào một cử động hơi mạnh là... không thở nổi.

Vẻ đẹp hồ "bò cạp", nhìn từ trên đỉnh đèo đầy tuyết trắng
 cao 5.190m so với mực nước biển.

Những “viên ngọc hồ xanh” cao nhất thế giới
Cao nguyên quá rộng, lại ở nơi cao nhất thế giới, dân số chỉ hơn 2 triệu người, Tây Tạng còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ quyến rũ. Tất cả chúng tôi đã phải vận công bật dậy như con tôm mắc cạn gặp dòng suối trong, khi đến trước hồ nước ngọt cao nhất của quả đất. Đây là một trong bốn cái hồ thiêng của toàn cõi Tây Tạng: Hồ Yamdrok-sto. Cách thủ phủ Lhasa hơn 100km, từ trên đỉnh đèo kỳ vĩ Kapala cao 5.190m, ai nấy sững sờ thấy mình bị bủa vây bởi hàng vạn cờ phướn sặc sỡ sắc màu đang rung rinh trong gió.

Các dãy núi tuyết trắng nhức mắt, tuyết mịn màng như bột pha lê ai vừa êm đềm rắc xuống núi xám cho da trời thêm xanh, cho cái hồ hình con bò cạp kia càng thăm thẳm kỳ ảo. Chúng xanh như không có thật trên đời. Có người muốn ném hòn đá xuống mặt hồ dài như con rắn xanh mấy chục cây số luồn giữa các dãy núi tuyết trắng kia xem: Nó có thật phải là nước không. Hay nó là một miếng ngọc bích khổng lồ? Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu rồi tranh luận mệt nghỉ, chỉ về một chuyện: Sao nước hồ bò cạp nó lại xanh kỳ dị đến thế?

Cao nguyên Thanh Tạng chỗ này, nhiều đoạn cứ lan man tuyết rạn vỡ phủ lên các đỉnh núi vàng ươm, xám ngoét khô cằn, không một loài thảo mộc nào sinh sống nổi. Hoang mạc ấy, có một con đường xuyên qua, vắt chùng chình từ lòng chảo lên đỉnh trời, vắt qua mép hồ xanh rộng 600km2 rồi trải tít hút về vô tận.

Ở nhiều góc hồ, có thể nhìn thấy đỉnh núi hùng vĩ Nojin Kangtsang (cao 7.191m) đang soi bóng nên thơ. Bùa chú, các gò xếp đá manidoi, cờ phướn, xương và đầu lâu động vật “trưng bày” khắp nơi như một nghi lễ bí ẩn. Chó ngao Tây Tạng lừng lững đứng nhìn, trâu lùn yak cũng rủ bộ lông mượt dài cả mét thung thăng đi lại như quái vật cao nguyên, bọn chúng chờ để du khách đến chụp ảnh chung. Một kỳ quan nữa ở Tây Tạng là hồ nước mặn cao nhất thế giới Nam-sto, với diện tích mặt nước lên tới 1.960km2. Trong hồ còn có 5 hòn đảo nhỏ, tượng trưng cho ngũ phương Phật. Ở Nam-sto, giữa mênh mông “biển xanh” (vì nó rộng và nước mặn, nên trước đây người Tạng cứ tưởng là biển và đặt tên là “Thanh Hải” - biển xanh) đó, cỏ mọc xanh, trâu yak, cừu và ngựa chạy thung thăng.

Tuyết trắng tan ra thành các dòng suối, suối nước ngọt đổ vào hồ, hồ lại có nước mặn. Mùa đông, mặt hồ đóng băng toàn bộ, người ta có thể đi tắt qua hồ đến tu viện. Đấy là chưa kể các hồ thiêng khác, như: Lhamo La-tso, rồi Manasarovar. Hồ Mặt Trăng, hồ Mặt Trời, hồ của quỷ, hồ của thánh thần (Thiên Hồ).
Người Tây Tạng thân thiện, với lòng mộ đạo đáng ngạc nhiên.

Thiếu nữ xứ Tạng.

Một gò xếp đá manidoi linh thiêng, bên trên có cả bộ xương, đầu và sừng thú vật được dựng ven hồ thánh thần xanh ngắt, cách thủ phủ Lhasa gần 200km.
Điệp trùng núi tuyết trên đường bay lên nóc nhà thế giới Tây Tạng

.

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động