Tổ thứ mười bốn: BỒ-TÁT LONG THỌ (Nagarjuna)
Tôn giả, Tây Thiên Trúc quốc nhân. Nhân Thập tam tổ hành hóa chí bỉ, Long Thọ xuất nghênh viết: “Thâm sơn cô tịch, long mãng sở cư; đại đức chí tôn, hà uổng thần túc?” Tổ viết: “Ngô phi chí tôn, lai phỏng hiền giả.” Long Thọ mặc niệm, Tổ tri kỳ ý. Long Thọ hối tạ, Tổ tức dữ độ thoát, cập ngũ bách long chúng câu, thọ cụ giới, phó dĩ đại pháp. Đắc pháp dĩ, hành hóa chí Nam Ấn Độ. Bỉ quốc chi nhân đa tín phúc nghiệp, Tổ vị thuyết Phật tánh nghĩa, chúng văn, tất hồi sơ tâm. Phục ư tọa, hiện thân như mãn nguyệt luân. Chúng trung hữu Ca-na-đề-bà viết: “Thử thị Tôn giả, hiện Phật tánh thể tướng, dĩ thị ngã đẳng.” Hậu phó Pháp ư Ca-na-đề-bà dĩ, nhập nguyệt luân tam muội, quảng hiện thần biến, ngưng nhiên thị tịch.
Dịch :
Bồ- tát Long Thọ người Tây Thiên Trúc, nhân khi Tổ thứ mười ba (Ca-tỳ-ma-la) đến đây hoằng hóa, Ngài đến nghinh tiếp và thưa:
- Nơi núi sâu vắng vẻ, là chỗ hang động của rồng rắn, đại đức là bậc chí tôn, vậy chẳng là uổng công thần túc của Ngài sao? Tổ bảo:
- Ta chẳng phải chí tôn, ta đến là để thăm hỏi hiền giả.
Ngài Long Thọ nghĩ thầm (trong lòng). Tổ biết Ngài nghĩ gì. Ngài xin sám hối tạ tội. Tổ liền cho Ngài cùng năm trăm đồ chúng xuất gia, truyền giới cụ túc và truyền đại pháp cho Ngài. Sau khi đắc pháp Ngài liền du hóa đến Nam Ấn Độ. Dân chúng ở đây phần nhiều đều tin phước nghiệp, nên Ngài dạy về nghĩa Phật tánh, nghe xong họ đều tin theo. Thế rồi, Ngài trở lại ngay tòa hiện thân như trăng tròn. Bấy giờ, trong chúng có Ca-na-đề-bà nói: ‘Ngài hiện thể tướng của Phật tánh để chỉ dạy chúng ta’.
Về sau, Ngài phó pháp cho tôn giả Ca-na-đề-bà (Kanadeva) rồi nhập tam-muội Nguyệt luân, hiện nhiều thứ thần biến rồi an nhiên thị tịch.
Tán viết :
Phật tánh chi nghĩa
Phi hữu vô tướng
Hiện tam muội luân
San hô nguyệt thượng
Thị khắc gia nhi
Bất lạc thú hướng
Yết khước song my
Dịch :
Nghĩa của Phật tánh
Chẳng tướng có, không
Hiện trăng tam-muội
Vầng trăng san hô
Đúng nếp gia phong
Không lọt thứ bậc[2]
Đôi mày vừa nhướng
Một nhát trúng hai
Hoặc thuyết kệ viết :
Thiên Trúc thập tứ tổ truyền tâm
Long cung tầm bảo thủ đại kinh
Pháp giới vi thể vô biên tế
Hư không thị dụng hữu hà ngân
Bao la vạn vật hàm chúng diệu
Quyển tàng nhất mật huýnh căn trần
Hỏa trạch nguy hiểm hưu lưu luyến
Thế Tôn thọ hạ kiến minh tinh[3]
(Tuyên Hóa Thượng Nhân tác)
Dịch :
Tổ thứ mười bốn được truyền tâm
Long cung tìm báu được kinh thâm
Pháp giới là thể không ngằn mé
Hư không là dụng có chi tâm
Bao la vạn tượng nhiều vi diệu
Gồm thâu yếu chỉ thoát mê lầm
Nhà lửa hiểm nguy đừng lưu luyến
Phật tọa Bồ đề thấy sao mầu
(Tuyên Hóa Thượng Nhân)
Giảng:
Tôn giả, Tây Thiên Trúc quốc nhân: Vị Tôn giả này là Bồ-tát Long Thọ (chú 1), tức Tổ thứ mười bốn của Ấn Độ, người miền Tây Ấn.
Nhân Thập tam tổ hành hóa chí bỉ: Tổ thứ mười ba giáo hóa chúng sinh, đến nước Tây Thiên Trúc. Long Thọ xuất nghênh viết: “Thâm sơn cô tịch, long mãng sở cư; đại đức chí tôn, hà uổng thần túc?”: Tôn giả Long Thọ tu hành ở nơi này, nên ra nghênh tiếp Tổ và thưa: “Chỗ này non cao, núi thẳm, vô cùng vắng vẻ và trơ trọi, là hang ổ của loài rồng và mãng xà. Thưa Đại đức! Ngài là bậc cao thượng và tôn quý rất mực, vậy chẳng hay Ngài có đi lạc lối chăng ? Bước chân thần thánh (thần túc) của Ngài đến đây chẳng là hoài công ư?”. Chữ thần túc “神足” ở đây không có nghĩa là thần túc thông.
Tổ viết: “Ngô phi chí tôn, lai phỏng hiền giả.”: Tổ thứ mười ba nói: “Ta không phải là bậc tôn quý, ta đến đây để thăm hỏi người hiền đức.” Long Thọ mặc niệm: Mặc niệm tức là nói thầm trong lòng. Ngài Long thọ nói thầm, chẳng hạn như nói: “Ngài nói dối nhé! Ngài vốn là một vị Tổ sư, mà Ngài nói không phải là bậc chí tôn”. Tổ tri kỳ ý: Tổ thứ mười ba biết trong lòng Ngài nghĩ gì.
Long Thọ hối tạ: Bởi thấy Tổ biết hết những gì mình nghĩ trong lòng nên Bồ-tát Long Thọ xin Tổ cho Ngài được sám hối tạ tội, tự nhận sự lỗi lầm, đại khái như chúng ta thường nói bằng tiếng Anh câu “I am sorry! I am very stupid!” (Con xin lỗi! Con thực ngu xuẩn!)
Tổ tức dữ độ thoát, cập ngũ bách long chúng câu, thọ cụ giới, phó dĩ Đại Pháp: Tổ thứ mười ba độ cho Ngài, rồi độ luôn cả cho năm trăm con rồng, lâu nay theo Ngài tu đạo. Tất cả đều thọ giới Cụ túc và Tổ truyền pháp tâm ấn cho Ngài (chú 2). Đắc pháp dĩ, hành hóa chí Nam Ấn Độ:Sau khi đắc pháp, Bồ-tát Long Thọ du hóa đến Nam Ấn Độ. Bỉ quốc chi nhân đa tín phúc nghiệp: Con người nơi này, phần nhiều tu phước báo của trời người, không biết cầu học Phật pháp. Họ chỉ biết gieo phước, cầu phước. Tổ vị thuyết Phật tánh nghĩa: Tổ dạy họ về Phật tánh, về nghĩa của tự tánh, gồm đầy đủ vô lượng công đức và hết thảy mọi phước báu; chúng văn, tất hồi sơ tâm: Sau khi nghe xong, mọi người đều bỏ Tiểu thừa tu theo Đại thừa và hoàn toàn thay đổi tâm cầu phước trước kia của họ.
Phục ư tọa, hiện thân như mãn nguyệt luân: Ở trên tòa, Bồ-tát Long Thọ hiện thân như mặt trăng tròn, thân Ngài sáng như ánh sáng của mặt trăng.
Chúng trung hữu Ca-na-đề-bà viết: “Thử thị Tôn giả, hiện Phật tánh thể tướng, dĩ thị ngã đẳng.”: Lúc đó, trong đại chúng có Ca-na-đề-bà, về sau là Tổ thứ mười lăm, nói rằng: “Cảnh tượng này là do Tôn giả thị hiện, hiển bày thể và tướng của Phật tánh xưa nay, nhằm giáo hóa chúng ta”.
Hậu phó Pháp ư Ca-na-đề-bà dĩ, nhập Nguyệt luân tam muội, quảng hiện thần biến, ngưng nhiên thị tịch.: Về sau Bồ-tát Long Thọ truyền pháp cho Tổ thứ mười lăm- Ca-na-đề-bà, rồi nhập định Nguyệt luân, thị hiện thần thông, sau đó an nhiên thị tịch.
Bài tán:
Phật tánh chi nghĩa, Phi hữu vô tướng: Phật tánh chẳng phải có, chẳng phải không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét